Rất nhiều chị em truyền tai nhau mẹo thử chì trong son bằng cách quẹt 1 ít son ra tay rồi dùng 1 chiếc nhẫn/ vòng/ dây chuyên vàng chà lên vết son đó. Nếu son chuyển thành màu đen nghĩa là thỏi son đó chứa rất nhiều chì, cần phải tiễn em ý đi ngay và luôn nếu không muốn hại sức khoẻ.
=>> Đây là mẹo hoàn toàn vô ích, chính Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng không hề công nhận mẹo thử chì vô căn cứ này. Vấn đề này tớ tưởng xưa như trái đất rồi, nhưng hôm trước vẫn có bạn hỏi nên tớ post lại lên đây để bạn nào chưa biết còn tham khảo.
Theo trang Snopes.com (website chuyên đánh sập những quan điểm sai lầm về tất cả các vấn đề trong xã hội), phương pháp dùng vàng thử chì không có cơ sở khoa học. Các nhà nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm: sử dụng các kim loại khác như bạc, thiếc, đồng để chà lên son môi và cho cùng một kết quả là son chuyển màu đen.
Trong son môi chứa nhiều thành phần như Titan dioxit, sáp, dầu, chất tạo màu, chất chống nắng, cản quang…, khi ta dùng kim loại chà lên son, các thành phần của son tương tác với nhau và với kim loại tạo thành vệt đen, chứ không phải hoàn toàn là lỗi ở CHÌ. Đối với các loại mỹ phẩm khác như kem nền, phấn phủ… cũng vậy.
Thực tế, để kết luận được tỷ lệ nhiều ít của chì trong mỹ phẩm thì cần tới các xét nghiệm khoa học rất nghiêm ngặt, không thể dùng mẹo thủ công để kiểm tra. Nhưng nếu bạn hỏi “Tôi vẫn muốn biết trong mỹ phẩm của mình có chứa chì hay không thì phải làm thế nào?“, Tớ xin trả lời là: “Bạn đừng mất công lo bò trắng răng nữa“
CÓ CHÌ THÌ ĐÃ SAO?
FDA đã đưa ra quy định về hàm lượng chì trong mỗi sản phẩm chỉ được phép là vài phần triệu để không gây hại đến sức khoẻ con người, các hãng mỹ phẩm uy tín đều phải tuân thủ rất nghiêm ngặt quy định đó. Ví dụ: FDA quy định hàm lượng chì trong son là 10ppm, trong khi đó thỏi son chứa nhiều chì nhất theo nghiên cứu của FDA là Maybelline’s Color Sensation (màu Pink Petal) cũng mới chỉ đến 7.19ppm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lượng chì trong mỹ phẩm còn ít hơn nhiều so với chì trong môi trường, thức ăn, nước uống…
Tớ từng đọc bài so sánh của chị Phương Dung về hàm lượng chì trong son và nước sinh hoạt của chúng ta. Ngắn gọn như sau:
- Mẫu thử là son MAC màu Impassioned ( MAC bị rất nhiều chị em quy kết là chứa nhiều chì) – và nước máy sinh hoạt của Việt Nam
- Trong 1gr son MAC có 0.00000008 gr chì, 1 thỏi son Mac nặng 3gr, giả sử chúng ta hấp thu hết phần chì trong cả thỏi son vào cơ thể thì tổng lượng chì đó là 0.00000024 gr. Coi như 6 tháng bạn dùng hết 1 thỏi son thì mỗi ngày lượng chì chúng ta hấp thụ từ son là 0.0000004 gr.
- Trong khi đó, hàm lượng chì trong nước sinh hoạt ở VN là 0.05mg/lit (1gr nước chứa 0.00005gr chì). Coi như 1 ngày chúng ta dùng 2 lít nước thì lượng chì hấp thu từ riêng nước uống trong 1 ngày đã là 0.1g (chưa kể chì trong thức ăn, khói bụi, nước sinh hoạt tắm rửa…)
- Nào, cùng so sánh 0.1gr và 0.0000004gr => Lượng chì chúng ta hấp thụ qua ăn uống cao gấp hàng trăm nghìn lần so với lượng chì của son. Giờ thì sao? Hẳn là bạn đã bớt nỗi e ngại về chì trong son và mỹ phẩm rồi nhỉ.
LƯU Ý:
1. Tớ đang chỉ nói đến son và mỹ phẩm của các hãng UY TÍN, nơi mà những sản phẩm của họ có qua kiểm duyệt và kiểm tra kỹ càng nên hàm lượng chì luôn nằm trong mức cho phép. Còn các loại son handmade chưa được kiểm duyệt, chúng có nhiều chì hay không thì người làm ra nó mới biết. Nếu mua son handmade, bạn nhớ đặt niềm tin đúng chỗ nơi người bán uy tín và có tâm để tránh dùng phải son với nguồn gốc và thành phần không rõ ràng.
2. Tất nhiên là chì có hại, giảm được tí nào hay tí nấy. Nếu bạn sử dụng thỏi son chứa ít hoặc không chứa chì thì vẫn tốt cho môi hơn. Tớ viết bài này chỉ mong là bạn “mở lòng” hơn với những thỏi son chứa chì chứ không cổ suý bạn thả cửa dùng son nhiều chì nhé.
Mong rằng bạn sẽ luôn là người tiêu dùng thông thái!
Nguồn:Tranghannah